Nghiên cứu sản xuất tinh bột oxy hóa bằng kỹ thuật điện phân

Trong nghiên cứu này, chúng tôi thử nghiệm một phương pháp mới để oxy hóa tinh bột là kỹ thuật điện phân dung dịch NaCl loãng. Mẫu tinh bột sắn dạng hạt (chưa hồ hóa) và dạng vô định hình (đã hồ hóa trước) sẽ được xử lý với dung dịch nước điện phân có nồng độ NaCl khác nhau từ 0,5 đến 5,0%. Các mẫu tinh bột sau khi xử lý sẽ được so sánh với các mẫu tinh bột chưa xử lý về các tính chất như hình thái bề mặt, màu sắc, nhóm chức hóa học (phổ FTIR), cấu hình tinh thể (phổ XRD), độ nhớt reduced, phân bố khối lượng phân tử, mức độ oxy hóa, độ ổn định đông – rã đông và các tính chất nhiệt trọng lượng (TGA/DTA). Dung dịch nước điện phân có Clo tổng (TAC), thế oxy hóa khử (ORP) và pH phụ thuộc vào nồng độ muối NaCl. Đây là lý do nồng độ NaCl ảnh hưởng lên các tính chất của các mẫu xử lý ở cả hai dạng. Mức độ oxy hóa tăng dần và quá trình depolymer hóa diễn ra đã kéo theo việc thay đổi các tính chất công nghệ của các mẫu tinh bột sắn được xử lý. Khối lượng phân tử tái phân bố về hướng có giá trị thấp hơn, độ nhớt reduced và độ ổn định đông – rã đông cũng giảm theo nồng độ NaCl. Với các mẫu chưa hồ hóa có bề mặt bị tổn thương sau quá trình xử lý, các sắc tố của mẫu được “tẩy trắng” sau khi oxy hóa. Khi đạt nồng độ NaCl 2,0%, việc tăng nồng độ muối không còn thay đổi đáng kể đến độ hòa tan và độ trương nở của mẫu. Trong khi đó, các mẫu tinh bột sắn đã hồ hóa trước dưới dạng vô định hình bị ảnh hưởng nhiều hơn từ dung dịch nước điện phân. Tuy nhiên, khi nồng độ NaCl đạt 5,0%, mức độ oxy hóa có chiều hướng giảm do môi trường điện phân có pH kiềm làm hạn chế việc tiếp xúc của tác nhân oxy và phân tử tinh bột.
Bạn đang xem trang mẫu tài liệu này.