Tôi là đồng nghiệp với PGS.TS. Bùi Đình Phong ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vài chục năm nay và cách đây 15 năm đã có sách viết chung về đề tài Hồ Chí Minh. Tôi được biết trước đây, từ năm 1981, PGS.TS. Bùi Đình Phong là giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp - Hà Nội, chuyên giảng dạy về lịch sử cận hiện đại Việt Nam và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Khoảng hơn 20 năm, khi chuyển về công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Bùi Đình Phong chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học về di sản Hồ Chí Minh. Cái nền sử học cùng với thời gian mấy chục năm đi sâu nghiên cứu về Hồ Chí Minh là một điều kiện thuận lợi cho công việc chuyên môn của PGS.TS. Bùi Đình Phong. Nhưng điều PGS.TS. Bùi Đình Phong để lại sâu đậm nhất trong tôi là sự tâm huyết về nghề nghiệp, phương pháp làm việc và cách tiếp cận vấn đề trong nghiên cứu và giảng dạy. Với một bề dày nghiên cứu và giảng dạy, đến nay PGS.TS. Bùi Đình Phong đã có trên 30 đầu sách cá nhân, chủ biên, đồng chủ biên về đề tài Hồ Chí Minh. Lần này, tôi vinh dự được PGS.TS. Bùi Đình Phong đưa tập bản thảo dày dặn đọc trước và nhờ viết lời giới thiệu. Sau khi đọc bản thảo, cảm nhận đầu tiên của tôi là bản thảo được xây dựng công phu, nghiêm túc, có hàm lượng khoa học cao. Với tên gọi Hồ Chí Minh - sáng tạo, đổi mới, bố cục của cuốn sách là sự gắn kết chặt chẽ của gần 50 luận văn được kết cấu thành 7 chương. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tác phẩm là trên cơ sở lý luận Mác - Lênin, tác giả khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã có sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó vào hoàn cảnh Việt Nam, một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ nhỏ, khoa học kỹ thuật kém phát triển. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo của Hồ Chí Minh là toàn diện và sâu sắc, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; sáng tạo những nội dung lớn như: xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện cầm quyền, sáng tạo về văn hóa, v.v.. Nhưng cái gốc của vấn đề cũng chính là điểm nhấn của tác phẩm để đạt tới sáng tạo và đổi mới là những suy tư, trăn trở của Hồ Chí Minh về đường lối nhân dân. Nhiều bài viết của tác giả ở chương 1, chương 5 toát lên tinh thần “dân là gốc, là chủ, là nền tảng của cách mạng”. Trở lại những luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh như: “sao cho được lòng dân”, “chân lý là cái gì có lợi cho dân”, “Chính phủ là công bộc của dân”, “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”, “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”, v.v.. với cách viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tác giả đi từ những điều căn bản nhất trong di sản Hồ Chí Minh đến thực tiễn cuộc sống hôm nay. Cách phân tích của tác giả toát lên di sản Hồ Chí Minh là sinh khí của một học thuyết, vì tư tưởng của Người đang trả lời đúng nhiều câu hỏi của cuộc sống đặt ra và luôn hướng tới tương lai. Tác giả dành một chương viết về Hồ Chí Minh - người khởi xướng sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với khẳng định: “Tìm về Hồ Chí Minh - cội nguồn của đổi mới hôm nay”. Nhưng đọc kỹ tác phẩm, tôi nhận thấy sáng tạo và đổi mới hòa quyện với nhau trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sáng tạo có đổi mới, trong đổi mới có sáng tạo, mà sáng tạo, đổi mới lớn nhất là khắc sâu quan điểm “có dân là có tất cả, mất lòng tin của dân là mất tất cả”. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách của PGS.TS. Bùi Đình Phong viết về đề tài Hồ Chí Minh, mỗi cuốn có cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, Hồ Chí Minh - sáng tạo, đổi mới là một thành công của tác giả, một đóng góp mới trong việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Được đọc trước bản thảo, tôi mừng là chuyên ngành Hồ Chí Minh học có thêm một sản phẩm khoa học có chất lượng cao. Xin được trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Sách có tại Thư viện khu A, phòng mượn
Số phân loại: 335.4346 B932-P574
Xin lỗi bạn không thể down load tài liệu này. Bạn có thể xem tài liệu trực tuyến trên website hoặc liên hệ thư viện trường để được hướng dẫn. Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ của chúng tôi.
Bạn vui lòng tham khảo thỏa thuận sử dụng của thư viện số.